Mối quan hệ giữa quản lý tài chính và hiệu quả kinh doanh trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Đồng Tháp

TS. Nguyễn Giác Trí - Trường Đại học Đồng Tháp

Nghiên cứu xem xét sự tác động của các mối quan hệ giữa quản lý tài chính và hiệu quả hoạt động kinh doanh trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại tỉnh Đồng Tháp. Thông qua điều tra khảo sát các đối tượng là ban giám đốc, kế toán trưởng, lãnh đạo các phòng, ban tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, kết quả nghiên cứu cho thấy, quản trị khoản phải thu là nhân tố có tác động mạnh nhất đến mối quan hệ giữa quản lý tài chính và hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các nhân tố báo cáo và phân tích tài chính, lập kế hoạch tài chính, quản trị hàng tồn kho, hệ thống thông tin kế toán có tác động đến mối quan hệ này.

Giới thiệu

Quản lý tài chính là một phần quan trọng không thể thiếu trong hoạt động quản lý doanh nghiệp. Các doanh nghiệp lớn có thể thuê kế toán hoặc nhà phân tích kinh doanh để thực hiện nhiệm vụ quản lý tài chính, tuy nhiên các chủ doanh nghiệp nhỏ thường tự thực hiện nhiệm vụ quản lý tài chính doanh nghiệp.

Do đó, việc quản lý tài chính không hiệu quả có thể làm tổn hại đến lợi nhuận của doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Chính vì vậy, khó khăn của các DNNVV sẽ trở nên lớn hơn. Ngược lại, quản lý tài chính hiệu quả sẽ giúp các DNNVV tăng cường khả năng sinh lời và nhờ đó, những khó khăn này có thể được khắc phục phần nào.

Nghiên cứu này phân tích các mối quan hệ quản lý tài chính và hiệu quả hoạt động kinh doanh của các DNNVV trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, từ đó đề xuất giải pháp giúp các nhà quản lý nâng cao mối quan hệ giữa quản lý tài chính và hiệu quả hoạt động kinh doanh của DNNVV.

Tổng quan lý thuyết và mô hình nghiên cứu

Lược khảo các nghiên cứu liên quan

Theo nghiên cứu của Binam và các cộng sự (2003, 2004), Chu và Kalirajan (2011), thời gian hoạt động tác động tích cực đến hiệu quả hoạt động. Admassie và Matambalya (2002) cho rằng, thời gian hoạt động của doanh nghiệp, quy mô doanh nghiệp hay cơ cấu vốn… là các nhân tố tác động tích cực đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Nghiên cứu của Nguyễn Quốc Nghi và Mai Văn Nam (2011) cho thấy, các nhân tố: Mức độ tiếp cận chính sách hỗ trợ của Chính phủ; Trình độ học vấn của chủ doanh nghiệp; Quy mô doanh nghiệp; Các mối quan hệ xã hội của doanh nghiệp và Tốc độ tăng doanh thu ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của DNNVV.

Theo Nguyễn Lê Thanh Tuyền (2013), tốc độ tăng trưởng doanh nghiệp tỷ lệ thuận với hiệu quả tài chính còn các biến quản trị nợ phải thu, đầu tư vào tài sản cố định, cơ cấu vốn, rủi ro kinh doanh tác động ngược chiều với hiệu quả tài chính.

Tương tự, nghiên cứu của Võ Thị Tuyết Hằng (2015) cho rằng, quy mô doanh nghiệp, tốc độ tăng trường doanh nghiệp, cấu trúc vốn và quản lý khoản phải thu có tác động đến hiệu quả tài chính. Hiệu quả tài chính được thể hiện qua khả năng của doanh nghiệp có thể khai thác được thị trường bằng nguồn lực hữu hạn của mình.

Mô hình nghiên cứu

Trên cơ sở các nghiên cứu trên và lược khảo các nghiên cứu trong và ngoài nước, tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu như Hình 1.

Các giả thuyết nghiên cứu được đưa ra như sau:

H1: Hệ thống thông tin kế toán có tác động đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của DNNVV.

H2: Báo cáo và phân tích tài chính có tác động đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của DNNVV.

H3: Quản trị tiền mặt có tác động đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của DNNVV.

H4: Quản trị khoản phải thu có tác động đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của DNNVV.

H5: Quản trị hàng tồn kho có tác động đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của DNNVV.

H6: Quản trị tài sản cố định có tác động đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của DNNVV.

H7: Lập kế hoạch tài chính có tác động đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của DNNVV.

Phương pháp nghiên cứu

Để thực hiện nghiên cứu, tác giả sử dụng phương pháp chọn mẫu thuận tiện. Đối tượng điều tra khảo sát là ban giám đốc, kế toán trưởng, lãnh đạo các phòng, ban tại các DNNVV trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Đây là các đối tượng đều am hiểu về quản lý tài chính và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Dữ liệu được thu thập bằng cách phát bảng câu hỏi trực tiếp trong thời gian từ 01/11/2022 đến 01/12/2022, với cỡ mẫu nghiên cứu dự kiến là 400. Kết quả thu về 398 phiếu hợp lệ được đưa vào sử dụng. Dữ liệu được đưa vào phần mềm SPSS để phân tích.

Kết quả nghiên cứu

Kiểm định thang đo qua hệ số Cronbach’s Alpha

Kết quả phân tích độ tin cậy thang đo Cronbach’s Alpha cho thấy, còn lại 30 biến quan sát, các biến không đạt điều kiện và bị loại là HTTT02 và QTTM03 (Bảng 1).

Bảng 1: Kết quả đánh giá sơ bộ độ tin cậy của các thang đo

Thang đo

Mã hóa

Cronbach’s's Alpha

1. Hệ thống thông tin kế toán

HTTT

0,78

2. Báo cáo và Phân tích Tài chính

BCTC

0,83

3. Quản trị tiền mặt

QTTM

0,80

4. Quản trị khoản phải thu

QTPT

0,84

5. Quản trị hàng tồn kho

QTTK

0,71

6. Quản trị tài sản cố định

QTTS

0,85

7. Lập kế hoạch tài chính

KHTC

0,76

Nguồn: Kết quả xử lý dữ liệu của tác giả

Phân tích nhân tố khám khá (EFA)

Phân tích EFA lần 1 cho thấy, các biến được trích thành 6 nhóm, với tổng phương sai trích là 60.12% > 50%, thang đo được chấp nhận. Hệ số KMO = 0.79 nằm trong khoảng 0.5 ≤ KMO ≤ 1, phân tích nhân tố là thích hợp. Kiểm định Bartlett với Sig. = .000, thể hiện mức ý nghĩa cao. Tất cả các giá trị Factor loading của từng nhóm đều lớn hơn 0.5; ngoại trừ biến quan sát QTTM03 = 0.39 (< 0,5) và xuất hiện ở 2 nhân tố (nhân tố 1 và 5), nên biến này sẽ bị loại.

Để kết quả phân tích nhân tố tốt hơn, tác giả tiến hành phân tích nhân tố lần 2 sau khi loại biến HTTT03. Kết quả phân tích nhân tố lần 2 cho thấy, các biến được trích thành 7 nhóm, với tổng phương sai trích = 64.15% > 50%, thang đo được chấp nhận. Hệ số KMO = 0.86 nằm trong khoảng 0.5 ≤ KMO ≤ 1, phân tích nhân tố là thích hợp. Kiểm định Bartlett với Sig.=.000, thể hiện mức ý nghĩa cao.

Tất cả giá trị Factor loading của các biến quan sát đều > 0.5; chênh lệch trọng số λiA- λiB đều lớn hơn 0.3, nên được chấp nhận. Vì vậy, kết quả phân tích nhân tố này được chấp nhận để tiến hành đưa vào khảo sát chính thức.

Phân tích mô hình hồi quy

Kết quả hồi quy (Bảng 2) cho thấy, trị số R = 0,754, có nghĩa mối quan hệ giữa các biến trong mô hình là khá chặt chẽ. Giá trị R2 = 0,570 thể hiện sự phù hợp của mô hình, hệ số R2 hiệu chỉnh = 0,579 (giải thích được 7 yếu tố có tác động đến 57,9,0% mối quan hệ giữa quản lý tài chính và hiệu quả hoạt động kinh doanh của DNNVV) và kiểm định F với giá trị F là 70.614 tại mức ý nghĩa Sig. = .000.

Kết quả đánh giá giá trị R2 cho thấy, mô hình hồi quy tuyến tính đã xây dựng là phù hợp. Tuy nhiên, để có thể suy diễn mô hình này thành mô hình của tổng thể thì cần tiến hành kiểm định F thông qua phân tích phương sai.

Kết quả kiểm định các giả định của mô hình hồi quy rút ra từ phương pháp Enter (Bảng 3) cho thấy, các giả định không vi phạm và không có hiện tượng đa cộng tuyến vì VIF < 3. Kết quả này cũng cho thấy, 7 biến độc lập của mô hình đều có ý nghĩa thống kê, vì có giá trị Sig. < 0,01 (ở mức độ tin cậy đạt 99%), hơn nữa các hệ số hồi quy này đều > 0 và có nghĩa, chúng đều có tác động dương đến mối quan hệ giữa quản lý tài chính và hiệu quả hoạt động kinh doanh của DNNVV theo các mức độ khác nhau.

Bảng 3: Bảng hệ số hồi quy

Mô hình

Hệ số chưachuẩn hóa

Hệ số chuẩn hóa Beta

Giá trị t

Mức ý nghĩa Sig.

Thống kê đa cộng tuyến

Trọng số hồi quy

Sai lệch chuẩn

Hệ số chấp nhận

Hệ số phóng đại phương sai VIF

Hằng số

1,50

0,040

         

X1

0,232

0,039

0,232

5.642

0,000

0,819

1.218

X2

0,381

0,039

0,381

9.236

0,000

0,713

1.400

X3

0,137

0,039

0,137

3.355

0,001

0,613

1.627

X4

0,386

0,039

0,386

9.365

0,000

0,607

1.644

X5

0,277

0,039

0,277

6.724

0,000

0,479

2.082

X6

0,143

0,039

0,143

3.500

0,001

0,749

1.333

X7

0,372

0,039

0,372

9.216

0,000

0,702

1.345

Nguồn: Kết quả xử lý dữ liệu của tác giả

Bảng 2: Bảng tóm tắt hệ số hồi quy

Mô hình

R

R2

R2 hiệu chỉnh

Độ lệch chuẩn của ước lượng

Thống kê thay đổi

Durbin- Watson

R2 thay đổi

F thay đổi

df1

df2

Mức ý nghĩa F thay đổi

1

0,754

0,570

0,579

0,66319991

0,571

47.576

,6

367

0,000

2.145

Nguồn: Kết quả xử lý dữ liệu của tác giả

Từ đó, phương trình hồi quy sẽ có dạng như sau:

Y = 0,232X1 + 0,381X2 + 0,137X3 + 0,386X4 + 0,277X5 + 0,143X6 + 0,372X7

Mô hình hồi quy đánh giá tác động của các nhân tố tới mối quan hệ giữa quản lý tài chính và hiệu quả hoạt động kinh doanh của DNNVV được viết lại như sau:

Hiệu quả hoạt động kinh doanh = 0.386QTPT + 0.381BCTC + 0.372KHTC + 0.277QTTK + 0.232HTTT + 0.143QTTS + 0.137QTTM

Hàm ý quản trị

Nhằm giúp các nhà quản lý nâng cao mối quan hệ giữa quản lý tài chính và hiệu quả hoạt động kinh doanh của DNNVV, tác giả đề xuất một số giải pháp sau:

Thứ nhất, quản trị khoản phải thu. Doanh nghiệp cần xây dựng và ban hành quy chế quản lý các khoản nợ phải thu, phân công và xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong việc theo dõi, thu hồi, thanh toán các khoản công nợ. Đồng thời, mở sổ chi tiết theo dõi các khoản nợ phải thu trong và ngoài doanh nghiệp theo từng đối tượng nợ, thường xuyên phân loại nợ, đôn đốc thu hồi nợ đúng hạn.

Bên cạnh đó, có biện pháp phòng ngừa rủi ro thanh toán. Thực hiện chính sách bán chịu đúng đắn với từng khách hàng trên cơ sở xem xét khả năng thanh toán, vị thế tín dụng của khách hàng… lớp học thanh toán quốc tế. Định kỳ phân tích tuổi các khoản nợ; chú ý xem xét các khoản nợ quá hạn, tìm ra nguyên nhân dẫn đến nợ quá hạn và áp dụng các biện pháp xử lý thích hợp.

Thứ hai, báo cáo và phân tích tài chính. Đây là một nguồn thông tin quan trọng để nhà đầu tư đánh giá thực trạng tài chính của doanh nghiệp, phục vụ việc ra quyết định đầu tư. Nhà đầu tư cần được đảm bảo họ được cung cấp thông tin trung thực và đáng tin cậy về tình hình tài chính của doanh nghiệp. Do vậy, các nhà quản lý doanh nghiệp cần nâng cao hơn nữa nhận thức về vai trò của chất lượng thông tin báo cáo tài chính; am hiểu và kiểm soát được thông tin tài chính của đơn vị mình; xây dựng một môi trường văn hóa chú trọng đến sự liêm chính và đạo đức nghề nghiệp. Đồng thời, coi việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ người làm công tác kế toán là chiến lược phát triển của doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả hệ thống kiểm soát nội bộ trong doanh nghiệp thông qua hoàn thiện môi trường kiểm soát; đánh giá rủi ro; thiết lập hệ thống thông tin, truyền thông...

Thứ ba, lập kế hoạch tài chính. Đây là một phần của quản lý tài chính. Hoạt động này đòi hỏi phải có sự đầu tư nghiên cứu trước khi bắt tay vào xây dựng. Nhà quản trị không nên bỏ sót bất kỳ một thông tin nào liên quan đến các vấn đề tài chính. Đồng thời, tái định vị thương hiệu, chỉnh lại mô hình kinh doanh cho phù hợp tình hình, xác định lại phương thức tổ chức công việc trong tương lai.

Thứ tư, quản trị hàng tồn kho. Một hệ thống quản lý hàng tồn kho hiệu quả có thể giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí và tối đa hóa doanh số bán hàng; đồng thời, đảm bảo cho quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được tiến hành liên tục, đều đặn theo đúng kế hoạch, đảm bảo có đủ hàng hoá, thành phẩm để cung ứng ra thị trường. Do vậy, doanh nghiệp cần tổ chức và quản lý một cách có hệ thống quy trình xuất - nhập hàng hóa vào kho, lưu trữ các chứng từ, dán nhãn mác của toàn bộ sản phẩm hoặc các giấy tờ liên quan có giá trị liên thành. Cùng với đó, kiểm soát trong quy trình hàng tồn kho đầu kỳ. Kiểm đếm thực tế toàn bộ hàng hóa tồn kho định kỳ theo tháng/quý và đối chiếu với sổ sách kế toán sao cho khớp nhất để kịp thời xử lý, điều chỉnh số liệu sao cho trùng khớp với số lượng tồn kho đầu kỳ.

Thứ năm, hệ thống thông tin kế toán. Doanh nghiệp cần tiếp tục hoàn thiện và hướng dẫn chi tiết thực hiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán và kiểm toán. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kế toán để đáp ứng được các quy định của pháp luật nói chung và gắn liền với việc nâng cao chất lượng hệ thống thông tin kế toán nói riêng. Đồng thời, khuyến khích kế toán viên nâng cao ý thức trách nhiệm và đạo đức theo chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán. Kế toán viên, kiểm toán viên trong doanh nghiệp tham gia vào việc lập và báo cáo thông tin có thể được công bố ra công chúng hoặc được đối tượng khác trong và ngoài doanh nghiệp sử dụng.

Thứ sáu, quản trị tài sản cố định. Xây dựng được cách quản lý tài sản trong doanh nghiệp sao cho hiệu quả cũng là một thách thức lớn đối với nhiều doanh nghiệp. Vì tài sản cố định là tài sản có giá trị lớn, được sử dụng lâu dài, đồng hành với doanh nghiệp trong việc tạo ra lợi ích kinh tế lâu dài. Do vậy, doanh nghiệp cần lập ngân sách mua sắm, đầu tư tài sản cố định dựa trên dữ liệu chính xác. Theo dõi kỹ càng các tài sản được mua vào doanh nghiệp bằng phần mềm quản lý tài sản cố định chuyên nghiệp.

Thứ bảy, quản trị tiền mặt. Quản trị tiền mặt trong doanh nghiệp là một hoạt động vô cùng cần thiết hướng tới việc đảm bảo được việc chi tiêu tiền mặt trong các hoạt động đáp ứng nhu cầu cần thiết. Khi quản trị tiền mặt, nhà quản lý phải luôn đảm bảo được hoạt động chi tiêu luôn giữ ở mức hợp lý. Đặc biệt, doanh nghiệp luôn phải giữ tiền mặt ở định mức đủ để chi trả cho mọi nhu cầu ngắn hạn. Để cải thiện việc quản trị dòng tiền, doanh nghiệp có thể: Số hóa quy trình kế toán; Theo dõi chu kỳ tiền mặt; Đánh giá chiến lược các khoản đầu tư tiềm năng; Đo lường tình trạng thanh khoản.

Tài liệu tham khảo:

  1. Nguyễn Lê Thanh Tuyền (2013), Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của các công ty ngành sản xuất chế biến thực phẩm niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, Trường Đại học Đà Nẵng;
  2. Nguyễn Quốc Nghi và Mai Văn Nam (2011). Các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNVV, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, 19(b), 122-129;
  3. Võ Thị Tuyết Hằng (2015), Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành xây dựng niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam, Trường Đại học Đà Nẵng;
  4. Binam, J. N., Sylla, K., Diarra, I., Nyambi, G. (2003), Factors Affecting Technical Efficiency among Coffee Farmers in Cote d’Ivoire: Evidence from the Centre West Region, African Development Review, 15, 66-76;
  5. Binam, J. N., Tonye, J., Nyambi, G., Akoa, M. (2004), Factors affecting the technical efficiency among smallholder farmers in the slash and burn agriculture zone of Cameroon, Food Policy, 29(5), 531-545;
  6. Chu, S. N., Kalirajan, K. (2011), Impact of trade liberalisation on technical efficiency of Vietnamese manufacturing firms, Science Technology and Society, 16(3), 265-284;
  7. Hair, J. F., Black, W. C., Babin, B. J., Anderson, R. E. (2010), Multivariate Data Analysis (7th Edition), NJ: Prentice Hall;
  8. Hair, J. F., Gabriel, M., Patel, V. (2014), AMOS covariance-based structural equation modeling (CB-SEM): Guidelines on its application as a marketing research tool. Brazilian Journal of Marketing, 13(2), 44-55.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 4/2023