Tác động của ứng dụng trí tuệ nhân tạo với nguồn nhân lực lĩnh vực kế toán, kiểm toán
Trí tuệ nhân tạo là một trong những công nghệ tiên tiến và cốt lõi của Cách mạng công nghiệp 4.0. Trên thế giới đã có rất nhiều các quốc gia bắt đầu ghi nhận xu thế phát triển tất yếu và tác động to lớn của trí tuệ nhân tạo trong mọi mặt đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực kế toán, kiểm toán. Tuy nhiên, điều này cũng đem lại không ít khó khăn đối với nhân viên kế toán, kiểm toán khi họ ngại ngần trong việc tiếp thu, áp dụng công nghệ mới, khiến cho việc đào tạo nguồn nhân lực trở nên tốn kém hơn và mất nhiều thời gian hơn. Bài viết nghiên cứu về sự ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo tới ngành kế toán, kiểm toán hiện nay ở Việt Nam cũng như cơ hội và thách thức đối với nguồn nhân lực.
Tác động của trí tuệ nhân tạo đối với lĩnh vực kế toán, kiểm toán
Công nghệ trí tuệ nhân tạo trong kế toán – kiểm toán
Trí tuệ nhân tạo (AI) là trí tuệ do con người lập trình trên máy tính với mục tiêu giúp máy tính có thể tự động hóa các hành vi thông minh như con người. Công nghệ AI trong kế toán và kiểm toán thường được triển khai thông qua 1 trong 4 loại công nghệ gồm:
Thứ nhất, các thuật toán, lập trình di truyền: Công nghệ này được sử dụng chủ yếu với mục đích dự đoán phá sản hoặc các nhiệm vụ kiểm toán tương tự, giảm rủi ro liên quan đến các mô hình rủi ro phá sản truyền thống, chỉ hoạt động theo các mô hình giả định nhất định. Tuy nhiên, các thuật toán có thể được sử dụng theo nghĩa rộng hơn, đảm bảo việc đánh giá của kiểm toán viên và trong các điều kiện hạn chế về thời gian và nguồn lực.
Thứ hai, logic mờ (Fuzzy logic): Trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán, hệ thống mờ cho phép kiểm toán viên đánh giá tính trọng yếu trên thang đo liên tục từ 0 đến 1, chứ không phải bằng quyết định nhị phân.
Thứ ba, mạng nơron: Loại hình công nghệ này hầu hết gắn liền với việc đánh giá rủi ro, giúp kiểm toán viên thực hiện các nhiệm vụ đánh giá rủi ro một cách hệ thống và nhất quán hơn, nhờ khả năng của mạng nơron trong việc tìm hiểu, tổng quát hóa và phân loại dữ liệu.
Thứ tư, các hệ thống kết hợp: Sự kết hợp của các công nghệ nêu trên, có thể được sử dụng khi cần trong cả phân tích định lượng và đánh giá định tính.
Khả năng thay thế các công việc kế toán, kiểm toán do ứng dụng AI
Sổ sách kế toán là công việc thường xuyên nhất, tốn thời gian và là phần có thể tự động hóa đối với công việc kế toán. Giao dịch kinh doanh phức tạp được phân tách, mô tả dễ dàng bằng thuật ngữ kế
toán và được ghi vào sổ cái. Quá trình này có thể được hoàn toàn tự động bằng cách sử dụng các công nghệ học máy (machine learning). Độ chính xác của dữ liệu kế toán cũng như thời gian ghi sổ sẽ được cải thiện. Các hoạt động gian lận có thể dự đoán được và có thể xác định được dễ dàng do mô hình machine learning.
Một công việc khác mà AI có thể đem lại lợi ích là dự báo doanh thu. Trong thời điểm không chắc chắn, sự bất cân xứng thông tin và rủi ro vốn có, việc dự báo doanh thu không phải là một công việc dễ dàng mặc dù các mô hình và kỹ thuật hiện đang được áp dụng. Việc sử dụng các mô hình dự đoán dựa trên các thuật toán của machine learning có thể cải thiện chất lượng dữ liệu dự báo, và các quy trình lập ngân sách và quản trị chiến lược.
Nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán ở Việt Nam
Chất lượng nguồn nhân lực
Với việc hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và lĩnh vực kế toán, kiểm toán nói riêng, Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành hệ thống các doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán. Theo số liệu của Bộ Tài chính, tính đến ngày 27/4/2023, có 214 DN kiểm toán và trên 200 DN dịch vụ kế toán được Bộ Tài chính cấp phép.
Với sự phát triển của thị trường, nguồn nhân lực thực hiện dịch vụ kế toán, kiểm toán cũng tăng về số lượng và cải thiện về chất lượng. Tính đến ngày 27/4/2023, số lượng kiểm toán viên hành nghề đã được Bộ Tài chính cấp giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán là 2.166 người, đăng ký hành nghề. Trong khi đó, về lĩnh vực kế toán, tính đến ngày 28/04/2023, có trên 420 kế toán viên đã được Bộ Tài chính cấp giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán. Theo đánh giá chung của nhiều chuyên gia, chất lượng nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán hiện nay về cơ bản đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động, nhu cầu sử dụng của các tổ chức, DN trong nền kinh tế.
Tuy nhiên, sức cạnh tranh của đa số các DN kiểm toán Việt Nam còn yếu so với khu vực và thế giới. Ngoài một số ít DN kiểm toán tư vấn tài chính là thành viên hãng quốc tế với 100% vốn nước ngoài, đa số các DN còn lại chưa đảm bảo được yêu cầu về chất lượng. Ngay cả các DN kiểm toán, tư vấn lớn ở nước ta, trình độ chuyên môn và chất lượng dịch vụ cũng chưa theo kịp với các nước phát triển. Hầu hết DN cung cấp dịch vụ kiểm toán đang hoạt động tại một số thị trường lớn, như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một số địa phương khác tuy có chi nhánh nhưng phân bố không đều, hoạt động kém hiệu quả. Bên cạnh đó, số lượng kiểm toán viên sở hữu chứng chỉ hành nghề tại Việt Nam còn hạn chế, chỉ chiếm khoảng 2% tổng số kế toán viên, kiểm toán viên của các nước ASEAN.
Nhu cầu nguồn nhân lực
Nhu cầu tuyển dụng về ngành Kế toán luôn đứng ở những vị trí top đầu của các tổ chức, DN. Trần Khánh Lâm (2023) đã tiến hành khảo sát về nhu cầu thực tế tuyển dụng nhân sự (tuyển dụng sinh viên mới ra trường) của các DNKT từ 35 trường đại học khối kinh tế - tài chính trên cả nước để DN đánh giá cảm nhận về chất lượng nhân lực được tuyển dụng.
Tác giả đã gửi khảo sát đến 148 DNKT trên cả nước và nhận được phản hồi của 89 DNKT (đạt tỷ lệ 60%). Kết quả nghiên cứu cho thấy, các DNKT vẫn ưu tiên tuyển dụng nhân sự từ các trường đại học đã có chất lượng sinh viên tốt nghiệp trong quá trình khảo sát. Cụ thể, các trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, Đại học Kinh tế Quốc dân và Học viện Tài chính được các DNKT đánh giá chất lượng đào tạo cao nhất. Tỷ lệ các DNKT tham gia khảo sát ưu tiên tiếp tục tuyển dụng từ các trường này lần lượt là 75%, 69% và 88%.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung 9 tháng năm 2023, cả nước có 116,3 nghìn DN đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.086,8 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 748,9 nghìn lao động. Những con số trên đã thể hiện rằng ngay cả khi chịu tác động của đại dịch COVID-19 thì tốc độ mở mới DN tại thị trường Việt Nam không hề giảm, nhu cầu nhân lực ngành Kế toán đang còn rất lớn. Tuy nhiên, trong khi nhu cầu về nguồn nhân lực rất cao, kế toán vẫn được cho là một trong những ngành có tỷ lệ thất nghiệp lớn nhất. Nguyên nhân đến từ việc thừa về số lượng nhưng lại thiếu về chất lượng.
Phần lớn họ không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng, có thể là về kiến thức chuyên môn, trình độ công nghệ thông tin, năng lực ngoại ngữ hay thậm chí cả kỹ năng mềm. Đặc biệt là trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 hiện nay, khi các kế toán, kiểm toán viên không chủ động trang bị đủ cho mình những kiến thức và kỹ năng cần thiết thì rất dễ bị đào thải.
Cơ hội và thách thức cho nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán
Cơ hội
Nhờ các ứng dụng công nghệ thông tin vào đào tạo, giúp các sinh viên kế toán, kiểm toán có thể tiếp xúc nhiều hơn với giảng viên, với các học liệu điện tử như sách điện tử ebook, bài giảng điện tử, ngân hàng câu hỏi ôn tập và đánh giá kết quả quá trình tự học của sinh viên… đáp ứng được các yêu cầu đa dạng của người học mọi lúc mọi nơi.
Bên cạnh đó, sự ra đời của các trang thiết bị, công nghệ số hiện đại đã giúp ích rất nhiều cho các kế toán, kiểm toán viên trong việc thu thập thông tin. Những thông tin số, tài liệu, dữ liệu mà trước đây rất khó khăn mới có thể thu thập được giờ đây đã có thể được truy cập, trích xuất một cách nhanh chóng và tiện lợi hơn và có thể diễn ra ở bất cứ đâu, vào bất cứ lúc nào. Sự linh hoạt này đặc biệt thuận lợi cho những kiểm toán viên làm dịch vụ cho nhiều DN khác nhau do giảm bớt khó khăn về khoảng cách địa lý.
Sự hỗ trợ của AI đã tạo ra một sự thay đổi lớn trong tổ chức bộ máy kế toán của các công ty. Các công việc mang tính chất lặp đi lặp lại sẽ được thực hiện bởi AI, vì vậy các công ty có điều kiện để cắt giảm nhân sự, tiết kiệm chi phí quản lý của mình. Việc này mang lại lợi thế cạnh tranh đặc biệt trong ngành nghề kế toán vì họ có thể cung cấp thông tin nhanh chóng, kịp thời với mức chi phí thấp.
Thách thức
Một là, xu thế máy móc sẽ dần thay thế con người ở nhiều công đoạn, đặc biệt là những lao động có trình độ thấp. Tại Việt Nam hiện nay, công tác kiểm toán chủ yếu được thực hiện trên hồ sơ, giấy tờ. Trong khi đó, CMCN 4.0 lại chuyển hóa toàn bộ các dữ liệu đó thành các thông tin điện tử, vừa đa dạng, vừa khó nắm bắt. Vì vậy, giải quyết những hạn chế về trình độ, năng lực của nhân viên và sắp xếp công việc hợp lý là một bài toán không hề dễ dàng trong bối cảnh CMCN 4.0.
Hai là, CMCN 4.0 yêu cầu phương pháp đào tạo kế toán, kiểm toán cần thay đổi theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ kĩ thuật số, hệ thống mạng. Các hình thức đào tạo online, mô phỏng, số hóa bài giảng,… sẽ là xu hướng đào tạo kế toán, kiểm toán trong tương lai. Điều này tạo áp lực lớn cho các cơ sở đào tạo về kế toán, kiểm toán phải chuẩn bị thật tốt về nguồn lực tổ chức giảng dạy, đặc biệt là đội ngũ giảng viên, không gian học tập nhằm đáp ứng cho “Giáo dục 4.0”.
Ba là, vấn đề việc làm và thất nghiệp là hiện tượng phổ biến của CMCN 4.0 và nhất là thời kỳ đầu khi lực lượng lao động chưa thích ứng được với điều kiện mới của cuộc cách mạng và sự chuyển dịch mạnh cơ cấu lao động giữa các lĩnh vực. Người máy bắt đầu thực hiện các công việc phổ thông thay cho con người, có thể thực hiện tốt các bài giảng ở một số môn học và có thể hoàn toàn thay thế đội ngũ giáo viên hiện nay. Công việc kế toán cũng có thể bị thay thế một phần bởi các robot thông minh. Vì vậy, các cơ sở đào tạo cần định hướng đào tạo đáp ứng yêu cầu ngành nghề của cuộc CMCN 4.0.
Một số khuyến nghị
Nhằm tận dụng cơ hội, giảm thiểu những thách thức của việc ứng dụng AI vào lĩnh vực kế toán, kiểm toán, tác giả khuyến nghị một số vấn đề sau:
- Quy hoạch lại hệ thống đào tạo kế toán, kiểm toán. Trên cơ sở khung năng lực quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực, mạng lưới các cơ sở đào tạo kế toán, kiểm toán cần được quy hoạch lại theo hướng phân tuần đào tạo, xác định rõ phân khúc thị trường nguồn nhân lực phù hợp.
- Đổi mới quan điểm, nội dung, chương trình và phương pháp đào tạo kế toán, kiểm toán trong việc ứng dụng Quan điểm đào tạo của các cơ sở đào tạo cần phải được đổi mới căn bản theo hướng chú trọng đến tư duy tổng hợp, kỹ năng xử lý công việc chuyên nghiệp, kỹ năng tổng hợp, phân tích và quản trị dữ liệu.
- Nâng cao nguồn lực giảng viên đào tạo ngành kế toán, kiểm toán, bao gồm các giảng viên được đào tạo bài bản ở trình độ đại học và trên đại học tại các nước phát triển và các giảng viên được đào tạo trong nước hoặc theo chương trình của các hiệp hội nghề nghiệp quốc tế. Bên cạnh đó, cần tăng cường liên kết trong hoạt động đào tạo, tạo mối liên hệ chặt chẽ giữa các cơ sở đào tạo và các đơn vị sử dụng lao động.
- Đối với bản thân kế toán, kiểm toán viên, ngoài kiến thức chuyên ngành, cần trau dồi thêm khả năng tư duy sáng tạo và thuyết trình để trình bày quan điểm một cách rõ ràng, lôi cuốn thì ý kiến tư vấn mới được các nhà quản trị coi trọng và xem xét thực hiện.
Tài liệu tham khảo:
- Phạm Thị Minh Thanh (2021). “CMCN 4.0 tác động như thế nào đến nghề kế toán của Việt Nam” Tạp chí Kế toán và Kiểm toán , số 210, Tháng 3/2021;
- Dương Thị Thanh Hiền (2021). “Vận dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác kế toán, kiểm toán- hướng đi mới trong cuộc CMCN 4.0” Tạp chí Tài chính đăng ngày 14/11/2021;
- Yến Nhi (2023). Trí tuệ nhân tạo ngày càng ảnh hưởng lớn tới kiểm toán. Báo Kiểm toán.